Thứ ba, 10/09/2024

Nỗi người, nỗi quê trong ký ức người xa xứ

Thứ sáu, 23/02/2024

  Th.s NGUYỄN THỊ BÌNH

Khi đang còn là giảng viên Trường Đại học Hoa Lư, tôi đã từng được biết đến tên tuổi ông - Nhà văn Vũ Thiện Khái. Chả là trong chương trình giảng dạy, có học phần Văn học địa phương, thế nên những nhà văn quê Ninh Bình, dẫu đang “lưu lạc xứ người” chúng tôi đều cập nhật, để sinh viên có thêm niềm tự hào về người Ninh Bình. Và dĩ nhiên, cùng với những tên tuổi khác như: Mai Văn Phấn, Vũ Nho, Lã Nhâm Thìn, Vũ Xuân Tửu, Sương Nguyệt Minh… thì Vũ Thiện Khái cũng được chúng tôi nhắc đến với lòng mến mộ. Chỉ có điều, ngày ấy chúng tôi chỉ biết đến ông qua một số truyện ngắn in trên Báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Ninh Bình… chứ chưa được đọc nhiều tác phẩm của ông.

 Nghỉ hưu được vài năm, một ngày tôi nhận được tin nhắn từ ông, (ông gọi tôi là nhà thơ đồng hương) và mừng hơn là được ông gửi “biếu”(chữ dùng của ông)  mấy tập sách bao gồm cả thơ và truyện ngắn. Đúng là “Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”, tôi đã đọc và bị cuốn hút bởi giọng văn khá trầm tĩnh, chững chạc, đôi khi pha chút hóm hỉnh mà đằm sâu nỗi quê, nỗi người. Tôi tự hứa là sẽ phải viết “một điều gì đó” về ông. Và ngay khi đọc xong tập truyện ngắn Thao thức sông quê - NXB Hội nhà văn, tôi đã hiểu ra cái mà mình cần viết.

Vũ Thiện Khái quê ở xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ông theo gia đình vào Tây Ninh lập nghiệp từ những năm 80 của thế kỷ trước. Hơn nửa đời xa quê, hình bóng quê hương chưa bao giờ vơi nhạt trong tâm khảm ông. Ký ức về mảnh hồn quê luôn dồn dập đổ về trong hoài niệm của người xa xứ, thành nỗi “Thao thức sông quê”. Phải chăng, đó chính là sự tri ân với nơi chôn nhau cắt rốn của mình? Đối với một người đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm” và luôn nặng lòng với cố hương, thì Thao thức sông quê, chưa phải là tất cả, mà đó chỉ là những dấu ấn về quê hương, để từ đó sẽ có thêm Phố Ninh cố sự (Tên tập sách ông chuẩn bị in) và biết đâu đấy, còn có những tác phẩm khác ra đời. Ấy là tôi nghĩ và luôn mong muốn như vậy.

Xuyên suốt Thao thức sông quê, là dòng chảy bất tận về ký ức làng quê với những tên đất, tên người mà chỉ nghe nhắc đến thôi cảm xúc đã dâng đầy. Nơi ấy có con sông Đáy vơi đầy kỷ niệm vui buồn (Một khúc sông quê thao thức); có khu vườn ngào ngạt mùi hương hoa xoan dìu dịu, lưu giữ những kỷ niệm đẹp mà đau xót gắn với tình yêu của cô Xoan và chú Huân (Vườn xoan); có chợ Xanh tấp nập bán mua; có đồn Xanh một thời bọn lính Tây khét tiếng gian ác đóng giữ; có làng Bồng Hải khi xưa bệnh tả quét qua làng thành đại dịch, gây tai họa cho bao gia đình (Mom sông gió buốt); có cây Muỗm đình Bông ngàn tuổi được coi là linh vật của làng. Từng thế hệ người làng đã được cây linh thiêng truyền cho tinh thần, sức mạnh (Cây cao bóng cả); Nơi có những thầy giáo làng là Việt Minh. Họ là những tấm gương sáng và ai được thụ giáo các thầy đều là những người tử tế (Thầy giáo làng thuở ấy); Nơi có “Ba đời ân oán” cũng dần dần được cởi bỏ; Nơi có những con người sinh ra từ làng quyết bảo vệ làng, bảo vệ người thân bất chấp cái chết (Ông Binh Văn)… Nơi đầy ắp những hoài niệm về người cũ, cảnh xưa: “Hoài niệm một thời đã qua là nhu cầu của tuổi già. Nhớ lại mà không kể ra tôi cứ thấy tiêng tiếc thế nào”. Đó là bộc bạch của nhân vật xưng tôi trong truyện “Đầu năm Ngọ nhớ vài chuyện ngựa” và hẳn cũng là suy nghĩ của tác giả- Một người gần trọn đời ly hương. Điều đó giúp ta hiểu vì sao nỗi người, nỗi quê luôn khắc khoải vơi đầy trong Thao thức sông quê. Ký ức ấy cứ trở đi, trở lại khi bảng lảng, lúc đầy ắp trong nỗi nhớ nhà, nhớ quê của người xa xứ.

Là người từng trải, lại hiểu biết sâu rộng và khá nghiêm cẩn, tôi đọc được qua từng trang viết của ông tiếng lòng của một người rất trân trọng quá khứ, luôn cảm thương, xa xót trước những cảnh đời đau khổ. Và trên hết là tình yêu quê hương, yêu con người và cuộc đời. Vì thế, những điều được viết ra, kể lại khi thì có cốt truyện, có khi chỉ là những sự việc diễn ra thường nhật như nó vốn thế. Nhưng bằng sự cảm nhận tinh tế và trái tim nhân hậu, nhà văn đã ghi lại những gì đã xảy ra để nhớ, để chiêm nghiệm và gửi gắm một lẽ nhân sinh nào đó. Bởi vậy, đọc truyện của Vũ Thiện Khái, có khi người ta phải dừng lại suy ngẫm về cái hiện thực được phản ánh, để rồi từ đó có những liên tưởng nhất định về cuộc sống xưa, sau.

Tôi muốn nói về Cái sự ngược đời. Đây không hẳn là truyện mà là sự lạm bàn về nhân tình, thế thái qua sự so sánh ngày trước và bây giờ. Ngày trước, cách nay chỉ mấy chục năm, nhưng mọi giá trị rất rõ ràng, tách bạch: “cái vỏ người nông dân ở đâu cũng na ná như nhau, cái lốt anh cán bộ, công nhân viên ở đâu cũng y sì một kiểu”. Tuy ngày xưa có cái “dở nhưng nó có cái thật dễ nhìn người”, ít bị nhầm lẫn. Còn bây giờ, thật giả xấu tốt nhiều khi lẫn lộn rất khó phân biệt, chỉ cần có tiền là có tất cả, và như vậy mới sinh ra lắm sự ngược đời. Không ít kẻ ngất ngưởng ngôi cao mà …giả. “Giả bằng cấp, giả đức hạnh, giả nốt cả cái tâm phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân”… Tệ hại hơn, nó đang tạo thành một “căn bệnh vô cảm măckêno có nguy cơ lan thành dịch trong xã hội”. Nói như thế, không phải tác giả có ý cố súy cho “ngày xưa”, mà chỉ so sánh để thấy được “Cái sự ngược của lòng người” từng mắt thấy, tai nghe, mà gửi vào đó một nỗi lòng trắc ẩn.

Chất liệu làm nên Thao thức sông quê chủ yếu là những kỷ niệm đầy ắp vui buồn, được trưng cất qua hoài niệm của một người từng trải, lịch lãm, nặng nỗi ưu tư, cho nên nó vừa có tính triết lý, vừa mang đậm chất văn, phảng phất cả chất ký sự, tạo được độ chân thật và hấp dẫn riêng. Phần đa truyện được kể ở ngôi thứ nhất. Người kể xưng tôi, nên truyện ít nhiều mang màu sắc chủ quan, đem lại sự tin cậy cho người đọc. Tuy nhiên, Tôi không chỉ kể về những điều mình chứng kiến, hoặc mình từng tham gia, mà với một nhà văn có nghề như Vũ Thiện Khái, thì những gì Tôi cảm, Tôi nghĩ luôn được tác giả lồng vào câu chuyện một cách vừa đủ, thể hiện nhận thức xã hội và sự ý thức về bản thân, giúp người đọc cảm nhận được mọi tâm tư tình cảm của chủ thể xưng Tôi. Nhờ đó, tính cách nhân vật được khắc họa rõ nét.

Thế giới nhân vật trong Thao thức sông quê chủ yếu là những con người đã gắn bó với Tôi một thuở. Trước hết, họ là những người thân thích (ông bà cha mẹ, họ hàng, anh em ruột thịt…); sau nữa, họ là những người gắn bó với nhân vật Tôi suốt thời ấu thơ. Mỗi khi nhớ về họ, sâu thẳm trong nhà văn, ngổn ngang một nỗi niềm thương nhớ. Cho dù kỷ niệm vui hay buồn, thì trước sau nó đều mang nặng hồn quê. Đó chính là cách để người xa xứ ký thác nỗi lòng và gửi vào đó những ẩn ức cần giải tỏa. Thế nên, người cũ, cảnh cũ luôn trở đi trở lại qua những trang viết của ông. Nó hiện diện trong tình cảm và cái nhìn vừa mang phong vị xưa lại vừa mới mẻ, gần gũi. Điều đó đem lại cảm giác truyện của ông viết về những truyện xưa mà không hề cũ.

Có thể nói, mỗi nhà văn đều có một cách tái hiện hiện thực ở những cấp độ khác nhau, nhằm chuyển tải đến người đọc những thông điệp về cuộc sống và con người. Với Vũ Thiện Khái thì ở một số truyện (Một khúc sông quê thao thức, Sông Nguồn, Xóm Bình Yên…), tác giả tạo dựng hiện thực bằng phương pháp huyền ảo, tâm linh đan xen giữa mơ và thực. Đọc những truyện này, độc giả sẽ cảm thấy thú vị khi bắt gặp thời gian và không gian nghệ thuật vừa thực, vừa ảo. Thực để tìm về cái ảo, ảo để giải mã hiện thực một thời khuất lấp chăng?

Truyện Một khúc sông quê thao thức kể lại chuyến về thăm quê của ông giáo Định. Hơn bốn mươi năm xa quê, ông vẻn vẹn chỉ có hai cuộc trở về. Và lần thứ hai này, lạ kỳ thay, ông gặp được những người “muôn năm cũ” qua thế giới tâm linh. Đó là cụ Đồng râu trắng như cước và đôi cánh tay dẻo dai như cành liễu, là thằng Quang cháu cụ, to cao vạm vỡ đô vật còn thua, là cái Dậu sắc nước hương trời với vẻ đẹp chim sa cá lặn, là ông Mô nón lá che kín hai tai hai bàn tay khum khum ôm chiếc cần câu cong vút...

Bằng phương pháp huyền ảo, hiện thực quá khứ đan xen, truyện tái hiện cuộc đời đầy oan khuất của cha con ông giáo Định và số phận của những người từng gắn bó với ông. Cha ông, dù phải chịu nhiều oan ức nhưng luôn động viên con: “Cứ tin tưởng, tin tưởng con ạ”. Còn ông, chỉ vì mấy chục câu thơ mang tâm trạng u buồn mà đang là sinh viên Đại học Tổng hợp Văn, lại bị đẩy lên công trường khai thác nứa tận Hàm Yên, Tuyên Quang. Công việc khai thác nứa dạo ấy, dù vất vả bao nhiêu cũng chẳng thấm vào đâu so với “những lời dị nghị sau lưng như cật nứa cứa vào khúc ruột”. Đó là quá khứ buồn đau mà cha con ông đã trải. Thời gian qua đi, mọi chuyện đều thay đổi. Làng quê của ông Định đã khác xưa nhiều, không ít sự việc con người được trả về nguyên giá trị của nó. Con gái cô Dậu ngày xưa, giờ đây đã là một Chủ tịch xã trẻ nhất huyện. Cô nói với ông: “May bác về dịp này gặp xã tổ chức lễ đón nhận danh hiệu bến đò Anh hùng thời chống Mỹ và trao quyết định truy tặng Huân chương Kháng chiến cho các bậc lão thành tham gia Cách mạng trước 1945 trong đó có cụ Mô và ông nhà ta ạ.”

Ở truyện Xóm Bình Yên cũng một mô típ tương tự. Thông qua thế giới vừa ảo, vừa thực, tác giả dẫn dắt người đọc trở về với cội nguồn của tình quê, tình người. Ông Hòa (nhân vật chính của truyện), khi đã nghỉ hưu, luôn tin rằng có một Xóm Bình Yên bên kia cầu Tha La, ở đó toàn là anh em, bạn bè thân thiết đồng hương ngoài Bắc. Vì lẽ ấy, vợ con cho là ông bị tâm thần nên ông luôn bị quản thúc. Bởi ông kể cho vợ con nghe những người ông mới gặp, mà họ toàn là liệt sĩ đã báo tử từ mấy chục năm nay. Nhưng ông Hòa luôn xác quyết những điều ông kể về Xóm Bình Yên là có thực. Qua không gian ảo diệu, những hồi ức bi hùng thời chiến tranh chống Mỹ được tái hiện cùng những câu chuyện về sự hy sinh (và cả nỗi oan ức) của những con người mà ông hằng kính trọng, thương nhớ. Họ là những người thân thiết với ông Hòa, như gia đình cụ Chánh Tăng, vợ chồng Thiêm Thiếp bạn của ông bà, rồi anh Thu con ông giáo Vũ, cô Lan người yêu của chú Tung… Đó là cách giải tỏa những ẩn ức, bi kịch của những con người một thời khốn khổ, giúp người đọc vững tin hơn vào cuộc sống hôm nay. 

 Truyện của Vũ Thiện Khái thường kết cấu theo lối truyền thống. Câu văn ngắn gọn, rành mạch, trau chuốt. Điểm nhìn đa dạng, giọng điệu linh hoạt phù hợp với từng hoàn cảnh, tính cách, nên mỗi câu chuyện được kể không nhàm chán mà luôn có sức hấp dẫn. Qua đó, tác động đến tình cảm lý trí độc giả, khơi dậy trong họ những cảm xúc, suy ngẫm nhất định. Đa phần truyện của ông đều kết thúc có hậu, thể hiện niềm tin vào những điều tốt đẹp. Cho dù viết về nỗi đau buồn, oan ức của một thời, nhưng với cái nhìn bình thản, bao dung và nhân hậu, thì cuối cùng, nỗi buồn đau cũng chỉ là những ký ức đã qua, cần được chiêu tuyết, cởi bỏ. Chính niềm tin vào cuộc sống và con người, mới là điều tác giả luôn hướng tới qua từng trang viết. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ, hình như nhà văn luôn tin rằng có con Sông Nguồn chốn cố hương, nên suốt đời đi tìm… Giống như nhân vật Tôi trong “Sông nguồn”, cứ lặn lội kiếm tìm và mong được uống, được tắm nước Sông Nguồn, để trở thành người có ích theo gương các bậc tiền nhân. Con Sông Nguồn vừa thực vừa ảo luôn chảy trong tâm thức nhà văn như một niềm tin bất tận về cội nguồn. Nó giống như kim chỉ nam, giúp cho con người ta những định hướng đúng đắn, để không bao giờ lạc bước trước mênh mông biển đời.

Là người suốt đời nặng lòng với quê hương, lại phải biền biệt xa quê gần cả cuộc đời, ta hiểu vì sao nỗi người, nỗi quê luôn đầy ắp, trải dài trong thương nhớ vơi đầy, trở thành miền Thao thức sông quê đong đầy kỷ niệm. Tất cả góp phần làm nên một “vị quê” độc đáo. Để kết thúc bài viết này, tôi xin mượn suy nghĩ của nhân vật Định trong “Một khúc sông quê thao thúc”. Thiết nghĩ, đó cũng là suy nghĩ, tình cảm và tấm lòng của nhà văn với quê hương yêu dấu của mình: “Những khúc sông xứ người ông đã đi qua nhiều lắm. Dù chúng tuyệt đẹp theo cách hùng vĩ, theo cách mộng mơ, ông vẫn cứ thấy nó nhàn nhạt thế nào. Đến buổi sáng nay trước khúc sông quê thao thức chuyển vần trầm tích vui buồn, ông mới chợt hiểu ra rằng, nó nhạt vì nó thiếu vị quê nhà, cái vị chẳng thể phân biệt được nơi đầu lưỡi, bởi nó lặn sâu, nó lan tỏa vào trong máu mỗi một con người”.

                                                                                                                                                                                                                N.T.B

(Nguồn: TC VNNB Số 290-2/2024)

Bài viết khác