PGS. TS. VŨ NHO
(Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 đã vinh danh thi sĩ Hồ Xuân Hương và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là Danh nhân văn hóa - ngày 23/11/2021, tại Paris - Pháp)
Bất chấp sự mơ hồ, không chắc chắn về tiểu sử, về đời tư của nữ sĩ họ Hồ, bất chấp về những bài thơ giả, thơ mạo trà trộn vào làm đau đầu các nhà nghiên cứu, trong tâm trí người Việt Nam luôn luôn in đậm hình ảnh “Bà chúa thơ Nôm”. Bà chúa này độc đáo vì nếu các ông hoàng vừa nghiêm trang đạo mạo, thông kim bác cổ, vừa phong vận đứng đắn, có phóng túng lắm cũng không vượt qua cốt cách tài tử... thì Xuân Hương là một cô nương tuy con nhà khuê các mà tính tình lại rất bình dân. Cách nói năng của bà táo bạo, ngoa ngoắt nhưng của một người vừa có duyên lặn vào trong lại cũng ngồn ngộn những duyên bong ra ngoài. Thành ra những người đúng mực, khó tính nhất thì cũng chỉ có thể vừa bực lại vừa nể, vừa ghét lại vừa yêu. Còn những ai hồn nhiên, không ưa đạo đức giả thì mê như điếu đổ.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương Nguồn: sưu tầm Internet
Sự độc đáo vô song của thơ Hồ Xuân Hương chính là tính song nghĩa của thơ bà: sự vật nào, hành động nào được nói đến trong thơ cũng vừa là nó lại vừa khác nó. Tả cái quạt thì đích là cái quạt, nhưng không phải chỉ có cái quạt. Cái giếng thanh tân, cái bánh trôi, quả mít, con ốc nhồi, động Hương Tích, hang Cắc Cớ, đèo Ba Dội đều như thế. Các hoạt động đánh đu, dệt cửi, đánh cờ người, trèo đèo “mỏi gối chồn chân”... không thể không làm cho những ai từng hiểu biết trong hay ngoài cuộc mỉm cười. Hồ Xuân Hương là nhà thơ số một của thế giới có thể đem cái “chuyện ấy” ra nói ở trong thơ, nói một cách tao nhã. Lại nói ở một nơi mà ảnh hưởng đạo đức phong kiến khá nặng nề. Hoàn cảnh Việt Nam và cả thế giới hồi đó chưa tiến bộ như bây giờ. Như vậy nữ sĩ họ Hồ đã đi trước thời đại mấy trăm năm.
Người ta truyền tụng, nói nhiều đến tính chất táo bạo, ngang ngược, nghịch ngợm, quyết liệt của Hồ Xuân Hương. Bà đã ngang nhiên nói toẹt ra cái bản chất người ở mọi tầng lớp trong xã hội. Từ tầng lớp chóp bu “chúa dấu vua yêu một cái này” đến các bậc thức giả.
“Hiền nhân quân tử ai đà chẳng/ Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo”. Đến người dân bình thường gọi nhau nôm na “bố cu, mẹ hĩm”: “Chồng con cái nợ là như thế”.
Nhưng ngay cả sự thẳng thắn ấy, ta vẫn thấy có một trình độ văn hoá rất cao, bởi vì nhà thơ không chỉ nói trần một vật cũng như trần một việc.
Đọc Hồ Xuân Hương có cảm giác bà luôn gồng lên để đối chọi với xung quanh, đối chọi với sự o ép của xã hội. Một người phụ nữ nhưng xưng hô hoàn toàn không có chút nữ tính nào. Toàn những trống không hoặc “đây”, “thân này”, “chị”. Chỉ có hai bài xưng “thiếp”, nhưng một thì chỉ là nhằm mục đích gọi ra chữ “chàng” một loại con trong họ hàng nhà Cóc. Còn bài kia “thiếp” lại là người bề trên giảng giải, căn dặn với tinh thần lượng cả bao dung: “Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa/ Mảnh tình một khối thiếp xin mang”.
Trong hai bài đó, chỉ có một bài thơ Khóc tổng Cóc là xưng hô trực tiếp, bài còn lại là mượn lời người phụ nữ cả nể. Có hai lần xưng “em” thì đều là gián tiếp khi để cho cái bánh trôi và quả mít tự giới thiệu mình. Xuân Hương là như thế. Không thể nói dịu dàng. Ngay cả khi mời trầu lẽ ra phải duyên dáng tình tứ thì Hồ Xuân Hương lại đơn giản, mộc mạc và nghịch ngợm: trầu hôi, cau nhỏ, quệt vôi. Trầu đem mời khách, người Việt ta có một chữ rất hay là “têm” trầu. Trầu để ăn thường ngày, ăn trong nhà, vội thì mới “quệt”. Trầu đem mời khách thì phải là trầu ngon, trầu vàng, với bao nhiêu phụ liệu quý giá nữa (Trầu này têm những vôi tàu/ Giữa thêm cát cánh hai đầu quế cay). Cau cũng vậy phải chọn cau sáu (bổ sáu) quả vừa to, vừa đủ độ không quá non và không quá già. Thế nhưng Xuân Hương mời trầu bằng trầu hôi, cau nhỏ, và “quệt” chứ không “têm”. Có vẻ như là không quý mến khách lắm, “có sao mời vậy”. Nhưng đằng sau sự thật thà, mộc mạc, không một chút làm duyên ấy là khát vọng hạnh phúc mãnh liệt: ao ước miếng trầu được nhận, được ăn. Để rồi tất cả trở nên đằm thắm chứ không phải là miếng trầu vô duyên “xanh như lá - bạc như vôi”. Phải là con mắt xanh tri âm tri kỉ mới nhận miếng trầu đơn giản, thân tình từ kiểu mời trầu không bình thường đó. Phải là người thấu được và chịu được, thậm chí thích cách nói của Hồ Xuân Hương, thừa nhận cái quạt làm mát mặt anh hùng và che đầu quân tử thì mới dám ăn miếng trầu đó, mới cảm thấy hết sự mặn nồng của miếng trầu hôi.
Về khát vọng tình yêu và hạnh phúc, tưởng như có hai kiểu thơ, hai con người Xuân Hương. Xuân Hương ban ngày và Xuân Hương của ban đêm, Xuân Hương bên ngoài và Xuân Hương bên trong, Xuân Hương biểu hiện và Xuân Hương bản chất. Người ta thấy bà nghịch ngược, chế diễu cả thần thánh, ghét cay ghét đắng những người tu hành, làm đỏ mặt những anh hùng, hiền nhân, quân tử. Tưởng như con người bà là kẻ bất cần đời. Ngay cả Chiêu Hổ, một người xướng họa với Xuân Hương thông minh, đáo để, đáng xếp vào hàng tri kỉ tri âm mà cũng nặng lời hằn học khi đối lại vế ra của bà. Hỏi còn mấy người hiểu thấu nỗi bi kịch của con người bề ngoài luôn luôn tỏ ra cứng cỏi, bản lĩnh, dám “xắn váy” lội qua tất cả những luật lệ đạo đức ngặt nghèo của chế độ phong kiến.
Còn có một Xuân Hương khác. Xuân Hương khao khát dịu hiền, khao khát hạnh phúc đời thường - một Xuân Hương đầy những nỗi buồn duyên phận. Đó là Xuân Hương của những bài thơ tự tình, Xuân Hương tự đối diện với chính mình trong tâm trạng cô đơn não nuột: “Mõ thảm không khua mà cũng cốc/ Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om”.
Tiếng mõ mô phỏng mõ thật, cái mõ thảm ở trong lòng kêu giật lên. Tiếng chuông cũng không phải chuông thật, mà là chuông sầu đang ngân âm ỉ. Nỗi sầu thảm kêu lên như mõ, âm ỉ như chuông phải là nỗi sầu thảm ở độ nào, ở mức nào mà không khua, chẳng đánh vẫn kêu. Một bên thì thoát ra ngoài bằng tiếng “cốc” khô khốc mà nhói đau, còn bên kia thì lặn vào trong, âm thầm thiêu đốt không kém phần nhức nhối. Có ai ngờ Xuân Hương cô đơn và yếu đuối đến mức này không? Con người dám chống lại tất cả, bất cần đời tung hê tất cả ấy vẫn là một người đàn bà. Trong sâu thẳm trái tim vẫn có một khao khát rất đàn bà giản đơn, bình dị: lấy chồng rồi đẻ cái, sinh con. Bởi thế cho nên mới có sự giận hờn: “Sau giận vì duyên để mõm mòm”.
Giận ai? Giận xã hội, giận hoàn cảnh, giận tài tử văn nhân, giận duyên, giận phận và giận mình? Có lẽ là tất cả. Vì sao không thể se duyên, lấy chồng khi “Quả mai ba bẩy đương vừa”? Vì sao để cho duyên muộn, duyên quá chín “mõm mòm” - chín nẫu, chín như sắp rụng thế kia?
Chính vào lúc khuya khoắt, lúc một mình cô đơn “Trơ cái hồng nhan với nước non”, không cần phải lên gân, không cần phải che đậy, con người thật của Xuân Hương mới cởi bỏ những thứ vốn “quen mất nết đi rồi” (Chữ của Nguyễn Du).
Chợt nhớ một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn với câu thơ chân thành nhất, câu thơ tự thú: “Nhưng quả thật nhiều đêm mơ anh khóc như đứa trẻ/ Rồi sớm mai lại mang cái mặt kẻ mạnh ra đường” (Nhưng quả thực).
Khóc vì chỉ có đêm, một mình, lúc ấy mới trở lại được với chính mình, mới sống giây phút thư giãn, đời thường.
Ngày ấy Xuân Hương tương tự thế.
Và cái giây phút ấy cũng không lâu lắm. Ban ngày sầu thảm bị nén lại, bị quên đi. Chỉ ban đêm chúng mới được nổi lên như chuông, như mõ. Nhưng Xuân Hương cứng rắn, mạnh mẽ lắm. Rầu rĩ, giận hờn xong lại là Xuân Hương như người ta thường thấy: “Tài tử văn nhân ai đó tá/ Thân này đâu đã chịu già tom”.
Ngoài đời Xuân Hương phải lấy ông tổng Cóc, lấy ông phủ Vĩnh Tường, nhưng trong lòng thơ bà vẫn khao khát “Tài tử văn nhân”, vẫn mơ ước “Hiền nhân quân tử”. Bà không thể qua quýt nhưng quyết liệt như cô gái bình dân kia vội vã: “Trời mưa nước chảy qua sân/ Em lấy ông lão móm cho qua lần thì thôi”.
Cô gái lấy ông lão đấy, nhưng khao khát hạnh phúc đích thực vẫn khôn nguôi: “Bao giờ ông lão chầu trời/ Thì em lại lấy một người giai tơ”.
Hồ Xuân Hương dẫu có đầy sầu thảm về duyên phận, dẫu có giận dữ bực bõ đến mấy vẫn phải cư xử theo bản lĩnh của mình. Chỉ có thể làm bạn với tài tử văn nhân. Dù duyên mõm mòm vẫn quyết không chịu già, quyết không chịu đầu hàng hoàn cảnh và số phận.
Thật là kiêu hãnh và đáng khâm phục! Nhưng cũng thật đáng thương!
Hà Nội, tháng 2/1998 - tháng 11/2021
(Nguồn: TC VNNB 283-8/2023)