BÌNH NGUYÊN
Lê Thi Hữu làm thơ và có thơ in trên các báo, tạp chí từ khá sớm, nhưng mãi đến năm 2004 ông mới cho ra đời tập “Lục bát thương” chưa đầy sáu mươi trang do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Tập thơ chuyên về lục bát, chỉ có 41 bài nhưng khá ấn tượng bởi một giọng điệu.
Tôi nhớ, cách đây ngót ba mươi năm, hồi ấy nhà tôi còn ở Ninh Phúc, một buổi sáng mùa thu, ông và Lê Trí Viễn đi xe đạp từ Nho Quan xuống thăm tôi. Bữa cơm đạm bạc mà ba người ngồi từ non trưa đến gần chập tối. Lê Thi Hữu đọc thơ, nói chuyện về thơ, bình phẩm thơ say xưa hứng khởi lắm. Hôm ấy Lê Thi Hữu đọc bài “Mừng cưới” trong tâm trạng buồn sâu lắng. Đọc rồi, đọc lại vừa đọc vừa diễn giải, có lúc ông cúi xuống lấy hai bàn tay đưa lên mắt vuốt vuốt về hai phía, hình như cố che đi cái làm ông xúc động cứ trào ra…
Từ khi chưa có tập “Lục bát thương” tôi đã thuộc bài “Mừng cưới” của Lê Thi Hữu. Trong những lúc buồn, lúc cô đơn tôi thường đọc và ngẫm ngợi: “Nào ta nâng cốc cùng nhau/ Mừng em mai đã là dâu thị thành/ Nào ta mời chị mời anh/ Chúc em hạnh phúc duyên lành dài lâu”. Mở đầu bài thơ với tâm trạng đầy hào hứng. Người thơ ấy đã tạo ra một bầu không khí thật đầm ấm, ông vào vai như một người anh đầy trách nhiệm với miền vui dường như cứ muốn được dâng lên bất tận. Nhưng khi đọc tiếp: “Đừng em đừng nước mắt rơi/ Đừng ta đừng vội nhắc lời yêu xưa” thì rõ ràng cái hào hứng, cái muốn dâng lên niềm vui bất tận kia chỉ là cái bên ngoài muốn che đi sự khổ đau trong chia ly, mất mát.
Dù phải chia tay người yêu vì một lý do nào đó thì chàng trai đau khổ trong thơ từ thẳm sâu trái tim vẫn luôn gắng cầu nguyện cho em đi làm dâu nhà người được phẳng lặng, bình an trên nẻo đời em bước: “Ngày mai trời đừng làm mưa/ Những người đưa tiễn đừng đưa nửa vời” và lắng lòng lại dặn dò “Em đừng bận nhớ xa xôi/ Gắng quên giấc mộng đầu đời đã qua” để rồi “Ngày mai em lên xe hoa/ Coi như em mới gặp ta lần đầu”… Cái thốt lên như buột đi tất cả những gì đã có ở phía ta về, để rồi dồn gắng, vun đắp tất cả những gì tốt đẹp ở phía em đi. Bài thơ thất tình nhưng không bi lụy, đẹp và trong sáng…
Tôi muốn nói một chút về bài “Mừng cưới” bởi thơ Lê Thi Hữu viết nhiều về thất tình nhưng hầu hết bài nào cũng mang tính nhân văn, bởi tất cả những khổ đau, mất mát, chia ly, buồn chán người thơ ấy như hết thảy đều nhận về mình.
Cả đời thơ Lê Thi Hữu để lại không nhiều, nhưng đọc thơ ông người ta vẫn thấy gợi lên những hình bóng quê hương rất đỗi mộc mạc, chân thành. Thời còn trẻ, ông đã có thời gian khá dài dạy học ở Cà Mau, mảnh đất mà ông cho là quê hương thứ hai với nhiều điều lắng lại. Nói đến Lê Thi Hữu, độc giả thường nghĩ rằng ông thành công ở mảng thơ tình, nhưng đọc kỹ ta thấy ở mảng đề tài quê hương ông viết cũng hết sức ám ảnh với những người mẹ, người chị, người em trên những mảnh đồng hai sương một nắng.
Hình ảnh người mẹ ở phía Nam mà trong thơ Lê Thi Hữu bộc bạch đã chứa đựng nhiều nét đặc trưng của người Nam bộ. Hình như mảnh đất Nam bộ ấy đã thấm đẫm, đã thành điều không thể thiếu trong ông: “Miệt vườn nửa nắng nửa mưa/ Mái che mẹ lợp mái dừa bờ sông/ Chợ Vàm xa nửa chiều mong/ Trái thơm trái cốc nằm trong nón quà/ Tháng tư mùa ruộng mưa sa/ Bóng mây bóng mẹ nhoài ra phía đồng”. (Mẹ)
Và đây nữa là hình ảnh người mẹ ngoài Bắc, cái nơi ông sinh ra và lớn lên, cái nơi tuổi thơ ông ăm ắp những vui, buồn, kỷ niệm: “Khổ thân mẹ tát gầu sòng/ Nước chưa sắp ruộng đã vòng lên mây/ Nắng gì táp lá, táp cây/ Gió không mời nổi mây bay xuống đồng/ Bao nhiêu công sức gieo trồng/ Làng trông vào hạt lúa đồng cả thôi”. “Đôi vai mẹ gánh đồng nhà/ Mồ hôi mẹ mặn thấm qua mùa màng/ Cho thơm những hạt cơm vàng/ Mẹ như cây lúa đồng làng chờ mưa…”(Đồng làng những buổi chờ mưa).
Người mẹ dù ở phương trời nào thì trong thơ Lê Thi Hữu cũng là người mẹ, chịu đựng, chất phác, thủy chung, tảo tần, nhường nhịn, nghĩa nhân…
Lê Thi Hữu khắc họa chân dung người cha trong lục bát cũng hết sức tinh tế, cô đọng: “Con về thăm cánh đồng xưa/ Nơi cha từng đội nắng mưa trên đầu/ Xới cày vẹt phếch đất nâu/ Giấc mơ hạt thóc nằm sau tiếng cười/ Bước trâu trộn mấy bước người/ Áo tơi lá cọ mấy đời truyền nhau” (Lá trầu này lá trầu không).
Với người chị trong thơ ông cũng da diết: “Lục bình theo chị lênh đênh/ Ảm vào tôi khúc gập ghềnh mẹ ru.” (Gửi đất Tràm)
Các mảng đề tài khác ông viết cũng mượt mà, dung dị, sâu lắng, nhiều suy ngẫm: “Tưởng thơm ở một tí mồi/ Tôi đem ham hố đặt nơi thủy tào/ Nổi chìm trông cả vào phao/ Rủi, may giật cả ước ao lên giời!” (Đi câu).
“Mai Châu tháng bẩy tôi về/ Dốc quanh như một lời thề bỏ quên” “Tôi về tháng bẩy mùa nương/ Chợ phiên một buổi mười thương nhớ rừng!” (Chợ phiên một buổi)
“Là hoa biết khúc nở tàn/ Là mây biết khúc hợp tan dập dìu/ Là người biết khúc ghét yêu/ Là ta… thổn thức những chiều vắng em” (Tản mạn)…
Năm năm, sau ngày Lê Thi Hữu mất, chị Thúy người bạn đời của Lê Thi Hữu và những người bạn thơ đã gom lại những bài thơ mà ông sáng tác chưa in trong tập “Lục bát thương” vào tập mới và muốn được xuất bản. Sau khi đọc bản thảo chúng tôi cho rằng đây là những bài thơ có chất lượng khá tốt. Thường trực, Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã bàn, thống nhất với gia đình về việc xuất bản tập thơ mới của ông có nhan đề “Lời hẹn cầm tay”. Việc Hội Văn học nghệ thuật Ninh Bình đứng ra xuất bản tập thơ này như một nén tâm nhang thắp cho người hội viên thơ của Hội.
Với tôi, Lê Thi Hữu không những là một Nhà thơ mà còn là một thi sỹ của vùng đất Nho Quan tỏa ra nhiều miền quê khác. Cả đời ông chuyên tâm cho thơ, chuyên tâm cho lục bát. Ông đã viết cho mình vào một ngày rời thế gian thật nhẹ nhàng, bình lặng: “Ta đi đây thế gian ơi/ Đi như gió trở về giời vậy thôi” (Thi khúc cho em). Lê Thi Hữu đã ra đi như một ngọn gió, thanh thản về trời, nhưng ngọn gió thơ vẫn còn đó, vẫn dịu dàng thổi trên những cánh đồng thơ.
B.N
(Nguồn: TC VNNB 261-02/2022)