Thứ sáu, 13/09/2024

Dắt hồn tiên nữ vào thơ

Thứ năm, 09/06/2022

Lời bình của DIỆU THOA 

Ô Quy Hồ!
Tặng N

Quá quen đường mòn lối cũ
Quẩn quanh mấy bước lại về
Đợt này, đèo cua tay áo
Vượt rừng, ngược dốc anh đi

Thăng hoa tít miền hư ảo
Chung chiêng sương khói cầu Mây
Ngân nga vọng từ cổ tích
Tiếng sáo đưa tình ngất ngây

Vận may, gặp hồn tiên nữ
Chim vàng chao liệng như say
Chơi vơi chàng tiều phu chữ
Mơ em cũng ở chốn này

Ô Quy Hồ! Ô Quy Hồ!
Chim kêu, bao đời da diết
Bỗng sáng bừng lên thảng thốt
Siết mòn vách đá Sa Pa.
              Trại sáng tác Sa Pa, 11/ 2014

(Thơ của Nguyễn Thanh Tuyên)

Phải vậy không? Khi hồn ta sau mỗi thăng trầm biến cải của cõi người vẫn luôn níu giữ những khoảng lặng đẹp đẽ, mà ở đó, ta bắt gặp những nhân ảnh của kỉ niệm, của hoài ức hay những tao đoạn phập phồng bởi bóng dáng của một “búp lửa thiêng” nào đó chợt bừng lên ngỡ như có cơ duyên hẹn hò tự xưa xa, ngầm kín.

Rồi, đôi lúc, sự “tương phùng, đối ngẫu” nào kia, bỗng hối gọi mối liên tưởng thần tình thức dậy, khiến “búp lửa thiêng” những tưởng ta vốn ấp iu nơi hầm tim sâu thẳm bỗng òa lên cuồng diết chẳng từng. Thường thì khi ấy, rất có thể ta sẽ gào lên, thét lên cho bõ yêu, bõ nhớ, cho dịu bớt sóng lòng,... Song, với cốt cách điềm tĩnh, văn chương ý nhị, thâm trầm và chẳng dễ dàng nói trọn “lời yêu” như bác sĩ, nhà thơ Nguyễn Thanh Tuyên, thì anh lại cúi xuống lòng mình mà khẽ khàng thổ lộ. 

Hồn Tiên nữ năm xưa tự thân nhập vào ngòi bút nhà thơ khiến dòng cảm xúc bỗng chốc trào ra, ào ạt đặng đừng. Nhà thơ đã thốt lên, chính xác là lòng anh thốt lên ngay đầu bài thơ: “Ô Quy Hồ!”- một tượng thanh trầm buồn, sắc gọn mô phỏng tiếng kêu của con chim vàng bé bỏng, là hóa thân của nàng Tiên nữ năm xưa hiển linh cõi dương gian suốt đời tìm gọi chàng tiều phu mà nàng đã đem lòng yêu nhưng chẳng thể nên vợ, thành chồng nơi núi rừng Sa Pa đầy huyền tích này. 

Lời trần tình giản dị, chất phác như khúc nhạc dạo đầu êm ái cho bài thơ tình gọn gàng, xinh xắn đã được bác sĩ- nhà thơ dùng hô ngữ nhân xưng: “Anh” một cách dịu dàng và dễ thương đến lạ!

                                  “Quá quen đường mòn lối cũ

                                   Quẩn quanh mấy bước lại về

                                   Đợt này đèo cua tay áo

                                   Vượt rừng, ngược dốc anh đi…

Nhà thơ, trong đời đã bao lần “lên đường”, bao lần khăn gói “anh đi”, thậm chí còn cả sự ra đi với quyết tâm cao vợi: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đó thôi. Vậy, cái sự  “Vượt rừng, ngược dốc anh đi…” lần này có gì là lạ? Phải chăng, có một sự bứt phá hay một sự “vượt rào” trong tâm tưởng? Xin đừng võ đoán kẻo lỗi lầm mà đắc tội với văn chương! Ta hãy lắng tâm mà nghe người thơ cởi lòng, mà tìm ra thấu cảm.

“Anh đi”.Và “anh” đang ngây say trong cảm giác “Chung chiêng sương khói cầu Mây”. Lúc này, đầy phán quyết, người thơ mạnh dạn “cởi trói”, “tháo lồng” vượt thoát cái “đường mòn, lối cũ” cùng cái quỹ đạo: “Quẩn quanh mấy bước lại về” bấy nay và bắt đầu thả trôi cảm xúc. Đắn đo, ngần ngại mà chi giữa chốn núi non ngào ngợp, cảnh sắc hữu tình này! Người thơ đã “phóng sinh” tâm tưởng cho sự bồng bềnh, tung tẩy, để tâm hồn thỏa sức phiêu du, để xúc cảm có được những giây phút “Thăng hoa tít miền hư ảo”. Mới hay, xúc cảm thi sĩ trong “anh” đang  phát tác mãnh liệt. Đến độ, một bác sĩ lành nghề là thế cũng phải từ bó tay đến cộng hưởng, phiêu bồng. Chính trong khoảnh khắc tâm hồn rung lắc, chông chênh đó, những câu thơ được chắt ra, trong trẻo và đầy mê mụ. Và thơ, dẫu căng tròn, mọng mị, rực chín của sự “sinh tình” mà sao ta nghe trong thanh điệu ấy có gì run rẩy lắm!

                             “Ngân nga vọng từ cổ tích

                               Tiếng sáo đưa tình ngất ngây

Sự du nhập, giao hòa tuyệt đỉnh của thiên, địa, nhân khi ấy khiến người thơ chợt nghe thấy âm thanh tiếng sáo đưa tình du dương của chàng tiều phu vọng ra từ miền cổ tích. Tiếng sáo đã dẫn dụ “anh” vào thế giới thần tiên huyền thoại, nhiệm mầu. Phải chăng, cái sự “tu nhân tích đức” bấy nay của người thơ đã đến ngày “thành quả”? Và, thay vì gặp được ông Bụt, bà Tiên ban cho những phép lạ thần kì, thì “anh” đã có được: “Vận may gặp hồn Tiên nữ/ Chim vàng chao liệng như say”. Từ hài hước đến hóm hỉnh, nhà thơ gán cho mình cái danh “Chàng tiều phu chữ” - phong nhã lắm và cũng rất mực thi nhân là vậy! Trong khoảnh khắc chếnh choáng, ngây say, khó phân định rạch ròi giữa thực và mộng, giữa ảo giác hay thực tại phàm trần ấy, hồn tiên nữ năm xưa chợt hiển linh, thêm một lần giác ngộ cái “sứ mệnh yêu thương” tưởng thiếp đằm trong cảm thức hay nhòa mờ trong rêu rín thời gian, nay chợt cựa mình hiển lộ. Khó lòng ém nổi cảm xúc, “Chàng tiều phu chữ” đành “bó giáo quy hàng” cái sự yêu thương ngầm kín lúc này được thể trồi ra ngồn ngộn mà “anh” khó hòng cưỡng cự. Chàng chợt thốt lên ao ước bình dị mà biết lắm cũng là xa xỉ: “Mơ em cũng ở chốn này!”

Đến đây, câu thơ cũng là sự minh định cho ngôi nhân xưng dịu dàng ban đầu kia, rằng vế thứ hai đã xuất hiện như một bản lề vừa vặn, đăng đối, tạo nên cặp phạm trù trọn vẹn: “Anh - Em”. Một phạm trù ngọt ngào, bất diệt đã được khẳng định như một chân lí, một sự thách thức nhân gian: “Đố ai sống được mà không yêu, không nhớ, không thương một kẻ nào!”. Vậy, “Em” mà nhà thơ “sơ ý” lộ ra kia là ai? Một lần nữa lòng ta tự nhủ: xin đừng tò mò thái quá được chăng?  Bởi, chắc hẳn, đó là một cô gái rồi. Nàng thơ mà “chàng tiều phu chữ” - “Anh” ấp ủ trong giấc mơ kia họa chăng có Chúa Trời may ra biết được!

Tiếng kêu của con chim vàng mang hồn Tiên nữ: “Ô Quy Hồ! Ô Quy Hồ!” được điệp lại như sự cuốn khép ý nhị cho màn cuối giấc mơ êm ái của “chàng tiều phu chữ” trong một lần quyết tâm “Vượt rừng, ngược dốc anh đi”. “Tiếng kêu” đó, đã không chỉ “Siết mòn vách đá Sa Pa”, mà trở thành những nốt nhạc da diết, luyến ngân, mãi rung vọng trong thổn thức, nghẹn ngào và dội vào vách tim của những mối tình dương gian đẹp như huyền thoại.

Sau tất cả những thao thức, những e ấp đến trần tình, thổ lộ,… bài thơ tình duyên dáng của bác sĩ - nhà thơ Nguyễn Thanh Tuyên đã chính thức trở thành một bài thơ “ngoại tình” công khai mà chẳng tòa án nào nỡ phũ phàng “khép tội”. Dẫu, những câu thơ có đong đưa, đắm đuối đến mấy, thì hương nhụy tình yêu luôn phong kín đó vẫn mãi trong trắng, khiết thuần. Bởi, bác sĩ đã dắt hồn Tiên nữ vào thơ mình một cách dặt dìu và  đáng yêu đến thế! 

                                                                                                            D.T

(Nguồn: TC VNNB 265-5/2022)

 

Bài viết khác