BÙI HẰNG
Bạn đọc biết đến Sương Nguyệt Minh với những thành công ban đầu chủ yếu ở thể loại truyện ngắn. Văn chương của Sương Nguyệt Minh vừa có cái trầm tĩnh, đôn hậu của một người lính cầm bút vừa có cái sắc sảo của một nhà văn tinh nhạy khi sống trong xã hội kinh tế thị trường đầy biến động.
Truyện ngắn Chuyến đi săn cuối cùng (Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình số 103-3/2012) hướng vào những góc khuất trong đời sống riêng tư của con người, điều đó càng tỏ diện quan niệm về nghề văn của Sương Nguyệt Minh:“Xét cho cùng, văn chương là thân phận con người”.
Những thân phận mà anh nhắc đến trong truyện là những người đàn ông và những người đàn bà. Nhà văn tỏ ra bênh vực cho những ấm ức của “phái mạnh” nhưng lại không giấu được sự thấu hiểu cảm thông của anh đối với những người phụ nữ.
Truyện ngắn đưa ta về với không gian làng quê bán sơn địa, nơi không ít lần xuất hiện dưới những trang văn của Sương Nguyệt Minh. Ở đó có suối Yên Ca, núi Lò Vôi, đầm Vạc, sông Cái, dốc Xây… Trong không gian của núi rừng Tam Điệp là câu chuyện về cha con người đi săn, cha con Mại. Những cuộc săn bắn của họ chứa đựng nhiều ẩn ức, mà ngay chính bản thân Mại ban đầu vẫn còn mơ hồ “Chẳng hiểu gì sất”. Và cứ thế theo dòng ý thức, nhận thức của Mại, người ta dần dà vỡ lẽ ra được điều gì đó.
Chuyến đi săn cuối cùng khiến người đọc bị ám ảnh bởi các cụm từ giống đực, giống cái, chung tình, bạc tình. Mại, người kể chuyện, có người bố cả đời sống để bụng về điều “đáng giá ngàn vàng” của người vợ, những ấm ức không nói ra được mà chỉ chất chứa trong ý nghĩ và thể hiện qua hành động bất bình trước sự việc. Trong thế giới tự nhiên ông nhằm vào giống cái để tiêu diệt. Bài học đầu tiên mà cha dạy Mại tập bắn là “bắn những con gì, giống gì” trước cả bài học về cách thức lên dây nỏ, gương súng, tỳ tay như thế nào. Từ nhỏ anh đã được trải nghiệm thực tế qua những chuyến đi săn cha cho anh đi cùng. Cha phân tích, giải thích rạch ròi sự khác nhau giữa giống cái và giống đực. Trước tiên là bài học từ giống vịt trời. Cái giống vịt giời rất lạ. Thời gian ấp trứng hầu như do vịt đực ấp, vịt con nở, vịt đực lại dẫn đi kiếm ăn để cho vịt cái rảnh rang, nhàn hạ tự kiếm mồi nuôi thân vỗ béo, thay lông rồi tiếp tục đẻ trứng, ông cho rằng vịt đực là “cái giống chung tình”, vịt cái là “cái loại bạc tình”. Loài cua cũng thế, dù nước trong hay nước đục, dù nắng hay mưa, cua đực cũng đứng canh chừng bảo vệ cho cua cái làm cuộc lột xác, rồi đi kiếm mồi nuôi bạn tình. Khốn nạn nhất là khi cua đực lột vào lúc mồi khan hiếm thì cua cái rủ cua đực khác đến giương càng xé xác cua đực lột ra cùng ăn. Cách theo dõi, quan sát thế giới tự nhiên từ người cha dần ngấm vào tâm tưởng của Mại. Đối tượng mà Mại để ý trong chuyến đi săn ở thời điểm hiện tại là con khỉ cái lông mốc xám. Anh theo dõi rượt đuổi không phải vì anh xót nương ngô đang độ bắp non đọng sữa bị tàn phá, mà vì để anh chiêm nghiệm những lời dạy, những kinh nghiệm của cha và còn để nuốt những nỗi tủi hận về duyên tình trong lòng mình. Khi con khỉ đực bị trúng nỏ săn thì “Lúc này, sự sống còn của chồng và tình phu thê cần thiết hơn tình mẫu tử”. Con khỉ cái đang trong thời kỳ cho con bú, nó xua đẩy khỉ con ra, dồn hết tâm sinh nội lực của mình để cứu bạn tình. Mọi diễn biến xung quanh cuộc sống của loài khỉ đã lật ngược những suy luận đã trở thành định kiến của anh, bỗng dưng anh học được một bài học vô giá từ núi rừng Tam Điệp. Anh cảm thấy “Mọi sự bon chen, toan tính, bạc tình, mưu lợi của con người đều là vô nghĩa hết.”
Quay trở lại với các mối quan hệ của những con người trong truyện ngắn. Chuyện bố Mại, người đàn ông cả cuộc đời để bụng vì “sai lầm” của người vợ thời còn đi buôn bán, trước khi về làm vợ ông. Ông muốn chuốc nỗi dày vò này sang cho con trai “tôi thề: trước khi chết tôi sẽ kể cho con trai tôi rõ…” Đến khi gần về phía bên kia cuộc đời, “cha anh giống như ngọn đèn dầu lụi dần lụi dần” vẫn còn giãi bày một tâm trạng nặng trĩu với con “Đến lúc chết cha vẫn thương cái thân cha, thương con, thương những thằng đàn ông, con ạ”. Phải chăng đó là sự ích kỉ, sự cố chấp của đàn ông? Khi sự sống chỉ còn gang tấc ông mới tháo gỡ được tâm lý nặng nề bấy lâu nay mà tha thứ cho người vợ cả đời lam lũ vì gia đình “cúc cung chịu tội từ cái đêm đầu tiên làm vợ”. Hóa ra, mọi nỗ lực xây đắp hạnh phúc cho tổ ấm gia đình của người vợ tới mãi khi con người ta rời xa không còn chung sống với nhau nữa mới được ghi nhận. Đàn ông vẫn thường nhận về mình những quyền như thế mà. Không chỉ có bố Mại, người đàn ông của thế hệ đi trước nặng nề về phạm trù “phẩm chất” của người phụ nữ thì một người đàn ông khác trong truyện, đó là Lùng, con người trẻ tuổi này luôn sống trong hoài nghi, ám ảnh bởi cuộc trao thân gửi phận không trọn vẹn của người vợ ngay từ cái đêm tân hôn họ háo hức “lao vào nhau sung sướng” để rồi sự thất vọng thuộc về cả hai. Trong bóng đêm Sùng đau đớn bước ra ngoài thềm hè ngồi. Chồng gào thét và vợ cũng gào thét. Khác với tâm trạng của mẹ Mại, nếu mẹ Mại là sự ăn năn hối lỗi trước khi làm vợ thì Sim ngơ ngác không hiểu tại sao, bởi vì cô chưa hề gì với Mại, mối tình đầu của cô trắng trong đến thánh thiện. Một sự so sánh khá là hình tượng đã thể hiện được những triết lý sâu cay về những khía cạnh của đời sống vợ chồng “Cái trinh trắng, quý giá của người con gái phải tự đàn ông biết; giá như cái bánh bột lọc thì bóc ra cho chồng xem trước rồi mới cho chồng ăn…” Tinh tế khi phân tích những khía cạnh nhạy cảm trong đời sống riêng tư của những cuộc hôn nhân. Dường như nhà văn hiểu được, cảm được nỗi lòng của người phụ nữ “Không thanh minh được, không san sẻ được cùng ai.” Lùng từ đó trở thành một người chồng vũ phu, cuộc sống của vợ chồng Sim không hạnh phúc xuất phát từ cái nhìn định kiến của người chồng. Tuy nhiên nhà văn không dừng lại ở đấy, cái nhìn nhân ái chia sẻ của anh gửi gắm toàn bộ vào nhân vật Sim. Mại trải qua hai mối tình với Sim và “Chíp hôi”. Cả hai đều có những lý do dẫn đến sự dang dở. Với Sim, có thể tạm chấp nhận là có “lý do chính đáng”, do hoàn cảnh, Mại lên thành phố học, muốn Sim đi cùng nhưng không được, mẹ Sim thì già yếu, cảnh một mẹ một con, bà không chịu được cảnh chia xa. Sim nghe lời mẹ phụ tình anh lấy chồng làng. Nhưng với “Chíp hôi” thì sao? Phải chăng sự phát triển về tính cách của “Chíp hôi” là phù hợp với xu thế của một bộ phận giới trẻ hiện nay? Chạy theo lối sống thực dụng mà quên mất những nghĩa tình đã có với Mại. Ngày hôm nay, Mại có chuyến đi săn cũng chính là để trốn tránh hiện thực đau buồn của một kẻ bị phụ tình. Anh biết hôm nay, gia đình con trai ông vụ trưởng ở Hà Nội về ăn hỏi “Chíp hôi”.
Nhưng điều mà nhà văn muốn gửi gắm không phải ở “Chíp hôi” mà là ở Sim, người phụ nữ này thực sự tỏa sáng ở cuối truyện. Sim có quyền tự hào vì đã làm tròn thiên chức làm vợ, làm mẹ. Chi tiết Sim ân cần chăm sóc Lùng lúc ốm khiến Mại “không biết nói gì nữa. Đặt củ bình vôi ở thềm hè, anh lặng lẽ bước ra…. Mải leo, mải nghĩ, anh vô tình để rơi tuột cái nỏ săn xuống suối”. Chiếc nỏ săn, phút cuối cùng người cha gồng hết sinh lực để bẻ gãy mà không được, đến đời con, Mại không bẻ, không cố ý vứt bỏ mà tự nó mất đi. Đã hẳn thấy được những chủ ý của người viết. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta biết vị tha, biết hy sinh và chia sẻ.
Chuyến đi săn cuối cùng có kết cấu đan xen, song hành. Chuyện về thế giới tự nhiên xâu kết từ năng lực quan sát phong phú cộng với trí tưởng tượng của nhà văn đã làm nên sự đối sánh hữu dụng với chuyện về đời sống con người. Nghệ thuật dẫn dắt truyện tương đối linh hoạt hấp dẫn càng làm tăng tính hiếu kỳ của người đọc. Thời gian quá khứ và thời gian hiện tại đan xen hợp với lô gich tính cách, nhận thức của nhân vật tự nhiên được bộc lộ. Suy cho cùng điều còn lại trong mọi mối quan hệ của đời sống là sự yêu thương. Sự yêu thương chính là mẫu số chung cho những tình cảm cao đẹp.