Thứ tư, 08/05/2024

"Những người làm chủ biển Đông": Sức mạnh của "Năng lượng kỳ diệu"

Thứ hai, 02/08/2021

PHẠM XUÂN TRƯỜNG

Biển Đông đang sục sôi, lật lại trang thơ của nhà thơ Văn Lê trong tập thơ “Vé trở về” của ông mới được tái bản, trong đó có bài thơ: “Những người làm chủ biển Đông” được viết cách đây hơn 1/4 thế kỷ (khởi viết năm 1988, hoàn chỉnh năm 2010) khá đặc biệt.

Trong bài thơ này tác giả đã diễn tả việc ông cha ta bảo vệ biển Đông bằng chính sức mạnh văn hóa yêu nước của người Việt. Những câu thơ rực lửa cháy bỏng lòng yêu nước và bản lĩnh của con người Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền là bất khả xâm phạm: “Nếu phải đánh cho trường tồn đất nước/ Có hề chi với chí khí Lạc Hồng.../ Nếu có chết xin làm ma nước Việt/ Để muôn đời ôm ấp lấy non sông...”

Mở đầu bài thơ Những người làm chủ biển Đông, nhà thơ Văn Lê đã miêu tả được dự cảm của người lính hải quân khi trực chiến trên tàu: “Những chàng lính hải quân trực chiến ở trên tàu/ Sóng đã ngủ sau những ngày tất bật/ Những làng chài cũng yên giấc từ lâu/ Nhưng đã từ lâu Anh không sao ngủ được/ Có cái gì vu vơ như lửa đốt trong lòng/ Rất có thể biển không yên tĩnh nữa/ Anh nhận ra điều này qua những áng mây tán loạn phía chân trời/ Qua những con tàu ma ẩn hiện.”

Bài thơ viết đã lâu nhưng hôm nay đọc lại vẫn thấy hình ảnh câu thơ những con tàu ma ẩn hiện như rất gần với tình hình thời sự trên biển Đông hôm nay. Nhà thơ đã có cái nhìn dự báo về vấn đề biển Đông và lý giải trong những tình huống nguy nan, ứng xử với bất ổn hiện nay phải từ văn hóa giữ biển của tổ tiên ta. Lòng yêu nước mãnh liệt, truyền thống văn hóa dân tộc là cái chung bất biến đã được hun đúc, kết tinh, từ những hoạt động lao động, chiến đấu từ thời xa xưa: “Dân tộc Anh đã đi qua chiến tranh, đã từng hành quân từ thời tiền sư/ Cái thời chưa rành rọt núi sông/ Cái thời dân tộc Anh còn gọi là Lạc Việt/ Nguồn cội sinh ra bởi đấng Tiên Rồng”.

Tác giả dùng ngôi “Anh” vừa gần gũi, vừa thân thương: Anh cũng đồng thời là đại diện cho số đông, cho sức mạnh của sự kết tinh từ giá trị văn hóa Việt, có cội nguồn từ thời tiền sử, thời Lạc Việt, vừa rất gần với các chiến sĩ cảnh sát biển hôm nay đang hàng ngày đối mặt với nguy hiểm, với kẻ thù thâm độc nhiều mưu kế. Chính điều này lý giải vì sao mỗi người lính biển vẫn đang cầm chắc tay súng, hiên ngang chiến đấu, bởi phía sau lưng các Anh là cả những nỗ lực vinh quang suốt chiều dài lịch sử văn hóa dân tộc.

Từ “Văn Lang” theo nhà thơ Văn Lê khi còn mang nghĩa là đất nước của những người vẽ mình và được nhà thơ khái quát: “Họ nhuộm răng đen và thích ăn trầu/ Cho khác biệt với giống người phương Bắc/ Họ xăm mình những hình thù kỳ quặc”. Hình ảnh thơ “hình thù kỳ quặc” chính là văn hóa được hình thành từ rất sớm cùng với quá trình hình thành Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, dù ở trình độ sơ khai nhưng đã tạo tiền đề cho tư tưởng yêu nước.

Cuộc sống làng biển                         Ảnh của NINH ĐỨC HẬU

Truyền thống văn hóa dân tộc thường xuyên bồi đắp và tỏa sáng, nhưng đặc biệt tỏa sáng khi đất nước phải vượt qua những thử thách cực kỳ to lớn. Nhà thơ hiểu sâu về cội nguồn cha ông vì thế mà cắt nghĩa tính chất của cuộc bảo vệ chủ quyền biển Đông từ trong bình minh của lịch sử đã phải là sức mạnh của toàn dân.

Từ ngày xưa, người Việt theo chế độ mẫu hệ, người đàn bà luôn là hình bóng trụ cột gia đình. Chống lại kẻ thù phương Bắc xâm lược cũng là người đàn bà: “Xông ra biển còn có cả lũ đàn bà con gái háng rộng, ngực to, ngón chân cái giao nhau/ Họ nhuộm răng đen và thích ăn trầu...” Tiếp nối truyền thống của dân tộc những mạch thơ của nhà thơ Văn Lê cứ dâng dâng cảm xúc ào ạt: “Nhiều thế kỷ trôi qua/ Những trận đánh trên biển Đông còn làm bấn loạn người phương Bắc/ Mới nghe tiếng trống đồng gióng lên, sợ bạc cả mái đầu!” (Nguyên văn “Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh” - Thơ Trần Cương Trung, sứ thần nhà Nguyên).

Cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền độc lập của dân tộc từ xa xưa đã ác liệt và lúc nào cũng gian khó được nhà thơ Văn Lê diễn tả bằng hình ảnh thơ chân thực giàu hình ảnh, sống động: “Vào những thế kỷ sau Tổ tiên Anh đã làm chủ biển Đông/ Đưa binh sĩ tới hàng trăm đảo nhỏ/ Những người đi vào bão tố/ Mang theo dây nhợ, nẹp tre/ Chết thì bó thây, thả trôi trên biển/ Hồn xác theo sóng nước mà về/ Trong ba trăm năm cuối cùng của thế kỷ hai mươi/ Tổ tiên anh đã dựng bia chủ quyền và đặt tên cho hàng trăm đảo nhỏ”.

Vấn đề bảo vệ độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là vô cùng quan trọng: “Ôi! Vạn Lý Trường Sa hay Bãi Cát Vàng/ Chính là nước Tôi, làng Tôi trong đó/ Tôi trong Non sông/ Trong Tôi – Xứ sở/ Xứ sở và Tôi hòa quyện đến muôn đời”. Người Việt nói chung bao giờ cũng nhận thức và tình cảm về sự thống nhất, gắn bó giữa giữ nước - giữ làng - giữ nhà của nhân dân Việt Nam là điều kiện để huy động sức lực và trí tuệ của mọi người, hình thành thế trận cả nước đánh giặc. Lời khẳng định của nhà thơ “Trường Sa” chính là “Nước Tôi”, “Làng Tôi” trong đó. Đây là lời hiệu triệu bắt nguồn sâu xa từ gốc rễ văn hóa. Với người Việt Nam, Tổ quốc là trên hết.

Đặc biệt, nhà thơ Văn Lê viết về hình tượng người lính biển rất đàng hoàng tự tin, hình ảnh người chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển gần gũi thân thương họ có thể bảo vệ biển Đông bằng cả tình yêu máu xương để vẽ hình hài Tổ quốc trong bản đồ của dân tộc: “Anh đứng lặng đón từng tia gió sớm, lắng nghe từng giọt sương rơi/ Trong khoang tàu lạo xạo tiếng pin sôi/ Thằng bạn Anh đang cặm cụi vẽ bản đồ Tổ quốc/ Nhiều hòn đảo còn chìm trong nước/ Nhưng phần hồn đã đập ở trong Anh”. Chỉ có tình yêu Tổ quốc, tâm hồn của con người thì bất diệt, cái đẹp của tình yêu nước đối với người Việt Nam không bao giờ ngưng nghỉ: “Nếu phải đánh cho trường tồn Đất Nước/ Có hề chi với chí khí Lạc Hồng... / Nếu có chết xin làm ma nước Việt/ Để muôn đời ôm ấp lấy non sông”.

Yêu nước là mạch nguồn, là cảm xúc của mỗi nhà văn, nó có tác dụng khơi gợi tình yêu Tổ quốc lên một tầm cao mới, với những giá trị đặc biệt của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Tác giả khẳng định trong bài “Những người làm chủ biển Đông”, khí thiêng sông núi, hồn thiêng dân tộc cuồn cuộn chảy trong huyết quản các chiến sĩ trực tiếp đối mặt với quân thù.

Sức mạnh của truyền thống văn hóa dân tộc là một thứ năng lượng có trong tất cả, tràn ngập trong tâm hồn tất cả mọi người Việt Nam. Sức mạnh của truyền thống văn hóa dân tộc như một thứ “năng lượng kỳ diệu” đã khiến cho đất nước Việt Nam mỗi khi phải chiến đấu chống xâm lược với kẻ thù truyền kiếp bao giờ cũng chiến thắng.

 

P.X.T

(Nguồn: TC VNNB 253-7/2021)

 

Bài viết khác